9 quy tắc về bố cục không thể thiếu trong nhiếp ảnh

Các quy tắc về bố cục chụp ảnh mang lại sự cân bằng và thu hút cho người nhìn, họ sẽ tập trung chú ý vào những phần quan trọng mà bạn muốn truyền tải trong bức ảnh. Khi bạn đã thuần thục với những quy tắc này, bạn sẽ dễ dàng sử dụng, đồng thời bạn cũng sẽ nhận ra các quy tắc được áp dụng rất nhiều trong nhiếp ảnh, sẽ hiểu được tại sao một bức ảnh lại gây được sự ấn tượng trong khi có những bức ảnh không tạo được điểm nhấn và dường như được chụp khá vội vàng. Bài viết này sẽ tổng hợp và gửi đến bạn những quy tắc về bố cục căn bản nhất.

Quy tắc Một phần ba

Đây là quy tắc đầu tiên nên nhắc tới, được áp dụng rất phổ biến mặc dù nghe có vẻ khá cứng nhắc và toán học. Nội dung quy tắc này như sau, bạn hãy chia bức ảnh của bạn thành 9 phần tạo bởi hai đường dọc và hai đường ngang. Trong đó bạn hãy “đặt” các phần quan trọng của khung cảnh theo các đường kẻ (được gọi là “Đường mạnh”) hoặc ở các giao điểm của các đường (còn gọi là “Điểm mạnh”).
Khi áp dụng theo quy tắc này bạn sẽ nhận thấy sự cân bằng trong bố cục khá thú vị. Tuy nhiên không có nghĩa chúng ta phải “sắp xếp” tất cả theo tỷ lệ 1/3 mà hãy coi đây là một hướng dẫn thô khi chụp hình. Điều quan trong đó là không phải đối tượng chính luôn nằm ở giữa của bức ảnh. Ví dụ trong chụp phong cảnh, thường thì đường chân trời sẽ nằm ở 1/3 phía trên hoặc dưới sẽ giúp hình ảnh landscape được sống động, còn nếu chụp đối tượng khác thì đối tượng chính sẽ nằm ở 1/3 trái hoặc phải giúp tạo cảm giác định hướng/ chuyển động.
Nêu có những hình ảnh không có gì để xác định là đối tượng chính thì sao? Thường thì rất ít có trường hợp như vậy, hoặc có thể đó là những hình ảnh trừu tượng, nhưng quy tắc 1/3 vẫn có giá trị của nó đó là làm cho bức ảnh cảm giác cân bằng và đối tượng không quá tĩnh lặng.
Hình ảnh trên là một ví dụ, thật khó để xác định đối tượng nào để áp dụng quy tắc 1/3. Nhưng có lẽ chính những vùng nhấp nhô phía trên và dưới, khoảng sáng trái phải tạo nên hiệu ứng không đặt đối tượng vào chính giữa.
Như trên đã nói, không có một quy tắc cứng nào trong nhiếp ảnh, kể cả quy tắc 1/3 được sử dụng phổ biến nhưng cũng hoàn toàn bị phá vỡ nếu nó không phù hợp với mục tiêu, yêu cầu của người chụp ảnh. Nếu bạn muốn nhấn mạnh đến tính đối xứng của đối tượng cần chụp, bạn hoàn toàn có thể đặt đối tượng chính vào chính giữa, quan trọng là bạn muốn nhấn mạnh điểm gì, điều gì là đặc biệt. Hãy sử dụng quy tắc 1/3 nếu bạn thấy nó phù hợp.

Các yếu tố cân bằng

Khi sử dụng quy tắc 1/3, bạn sẽ đặt chủ thể lệch khỏi tâm của bức ảnh, như phần trên đã trình bày, điều đó giúp cho bức ảnh thú vị hơn rất nhiều, tuy nhiên có thể sẽ khiến cho bức ảnh bị một phần trống trải. Như ví dụ dưới đây, bạn nên đặt thêm một đối tượng phụ ít quan trong hơn để bức ảnh có sự cân bằng. Tuy nhiên cần hết sức lưu ý đến mức độ chính – phụ của các đối tượng theo màu sắc, độ nét.

Hướng sự chú ý

Khi nhìn vào một bức ảnh, vô hình có những đường dẫn ánh mắt chúng ta đến đối tượng chính. Bằng việc xây dựng các đường dẫn trong bố cục, bạn có thể thu hút ánh nhìn hoặc lướt qua khung cảnh. Có nhiều loại đường dẫn khác nhau như đường thẳng, chéo, cong..có thể giúp cải thiện bố cục của bức ảnh.Với bố cục đường chéo, bạn có thể sử dụng một đường chéo tạo bởi dòng sông, sườn núi hay một con đường để nhấn mạnh phối cảnh, nhờ đó làm nổi bật chuyển động cũng như độ sâu trong ảnh.
 
Một kỹ thuật khác cũng có thể sử dụng là dùng hai đường chéo để tạo thành hình chữ X giúp thu hút sự chú ý của người xem vào điểm giao.
Trong hình ảnh này, bố cục đã khiến người xem không tập trung vào đường hầm mà chú ý nhiều hơn đến đám cây mùa thu trên núi.
Ngược lại, khi sắp xếp bố cục như hình dưới, đường ray như mở ra thu hút ánh nhìn vào đường hầm nơi có con tàu đang tới.
Một ví dụ khác, bức ảnh muốn tập trung vào căn nhà trên cánh đồng lúa, nếu như bức ảnh đầu tiên, căn nhà không thu hút khi nằm ở vị trí khá xa bởi đồng lúa.
Tuy nhiên, trong ảnh dưới đây, với sự xuất hiện của con đường, nó đã đóng vai trò như một công cụ chuyển tải ý định của người chụp muốn chuyển sự chú ý của người xem đến căn nhà qua cánh đồng lúa.

Khuôn mẫu và sự đối xứng

Có rất nhiều mẫu hình có tính đối xứng xung quanh chúng ta cả trong tự nhiên và do chính con người tạo ra. Bố cục đối xứng có thể tạo nên sự bắt mắt thu hút, thậm chí là bất ngờ khi trong một khung cảnh lại xuất hiện sự đối xứng.

Góc chụp

Góc chụp là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến bố cục của bức ảnh vì vậy có thể thay đổi thông điệp muốn truyền tải của nhiếp ảnh gia. Vì vậy trước khi bấm máy bạn nên xác định sẽ chụp theo góc nào. Thay vì góc chụp ngang tầm mắt thông thường, bạn có thể thay đổi góc chụp mới lạ khác như từ trên xuống, từ dưới lên, đằng sau, bên cạnh, xa gần…
Nền của ảnh
Có rất nhiều bức ảnh mất đi sự ấn tượng, thiếu nổi bật bởi chủ thể đã bị “trộn” lẫn vào phần nền có quá nhiều đối tượng phía sau. Mặc dù mắt chúng ta có thể nhận biết được những đối tượng ở trước, ở sau nhưng máy ảnh lại thường có xu hướng làm “bẹt” các đối tượng ở phía trước và phía sau vào nhau, điều đó có thể khiến bức ảnh bị mất đi vẻ đẹp. Trong nhiều trường hợp bạn có thể dễ dàng khắc phục điều này bằng cách chụp trên nền đơn sắc không gây chú ý để làm nổi bật chủ thể chính của bức ảnh.
Độ sâu của bức ảnh
Đây là điều rất quan trọng nhằm khắc phục bản chất phẳng dẹt của bức ảnh (bởi nhiếp ảnh diễn tả hình ảnh hai chiều). Việc lựa chọn bố cục khéo léo có thể giúp khuôn hình trở nên sâu hút), cũng có thể giúp chủ đề được nổi bật trên bối cảnh nhạt nhòa. Có thể một bức ảnh nét từ cận cảnh tới vô cự không giúp tạo chiều sâu bằng bức ảnh Macro nét cạn. Bức ảnh có bố cục tốt phải bao gồm nhiều lớp không gian cùng nhiều tông màu và cường độ chiếu sáng khác nhau.

Đóng khung

Những sự vật tự nhiên như cây cối, con đường…nhiều khi có thể tạo thành khung cảnh một cách tự nhiên. Bằng cách đặt những sự vật đó quanh bố cục của bức ảnh, chủ thể chính có thể tách ra khỏi khung cảnh xuang quanh. Điều đó giúp thu hút ánh nhìn của người xem dẫn vào điểm quan trọng nhất của ảnh.

Tập trung vào chủ thể chính

Bức ảnh sẽ khó có thể gây được ấn tượng nếu chủ thể chính có kích thước quá nhỏ, rất dễ bị hòa vào những thứ xung quanh. Bạn có thể đặt sát khung ảnh vào chủ thể để tạo sự chú ý cần thiết đến đối tượng muốn truyền tải.

Hãy thử nghiệm

Nhờ những chiếc máy kỹ thuật số ngày nay, bạn thoải mái chụp hình mà chẳng lo hết phim (chỉ lo hết pin). Vì vậy hãy thoải mái, mạnh dạn thử nghiệm các dạng bố cục khác nhau, chính sự trải nghiệm sẽ giúp chúng ta có thêm kinh nghiệm trong việc xây dựng bố cục và chụp hình.
Các quy tắc bố cục trong nhiếp ảnh được giới thiệu trong bài viết này như đã nói ở phần đầu không phải lúc nào cũng luôn đúng. Tuy nhiên chúng rất đáng để chúng ta tham khảo, hãy tùy từng trường hợp, từng bối cảnh, khung cảnh khác nhau để lựa chọn cho mình cách sắp xếp bố cục phù hợp. Những quy tắc kể trên là những điều phổ biến được nhiều người sử dụng để tạo nên những bức ảnh đẹp, chúc bạn cũng có được nhiều tuyệt phẩm và kinh nghiệm trong lĩnh vực nhiếp ảnh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét