Tạo chiều sâu cho bức ảnh
Khi bạn chụp một bức ảnh phong cảnh, hãy thử tạo cảm giác về chiều sâu cho bức ảnh đó bằng cách lấy nét nhiều yếu tố khác nhau trong hình ảnh. Để làm điều này bạn cần phải sử dụng một khẩu độ nhỏ, từ f/16 - f/22 bởi vì khẩu độ càng nhỏ thì độ sâu trường ảnh sẽ càng lớn.
Bạn nên đặt máy ảnh trên một chân máy để tránh máy bị rung khi chụp và cũng cần lưu ý rằng, khi sử dụng khẩu độ nhỏ hơn có nghĩa ánh sáng sẽ ít hơn khi đi vào thấu kính do đó bạn cần bù sáng cho ảnh bằng cách tăng giá trị ISO hoặc kéo dài tốc độ màn trập, hoặc cả hai.
Sử dụng ống kính góc rộng
Ống kính góc rộng khá được ưa chuộng khi sử dụng chụp ảnh phong cảnh, giúp có được góc nhìn rộng hơn mang lại cảm giác không gian được rộng mở. Chúng cũng vẫn giúp mang đến chiều sâu cho hình ảnh và cho phép bạn sử dụng tốc độ màn trập nhanh hơn vì có nhiều ánh sáng hơn. Chụp ảnh ở khẩu độ f / 16 sẽ làm cho cả chủ thể phía trước và nền phía sau được sắc nét. Hãy nhớ và thử áp dụng để thấy những góc độ thú vị của những bức ảnh.
Sử dụng bộ lọc (Filter)
Để có được những bức ảnh phong cảnh tuyệt vời nhất, bạn có thể sử dụng hai filter. Bộ lọc phân cực giúp mang lại bầu trời xanh sâu hơn và tương phản với màu trắng của những đám mây. Bộ lọc cường độ trung bình ND (Neutral Density Filter) giúp giảm lượng ánh sáng đi vào ống kính của máy ảnh nhưng không làm thay đổi cân bằng màu sắc. Điều này rất hữu ích vào những ngày trời sáng, khi máy ảnh không thể điều chỉnh tốc độ màn trập chậm (khi bạn muốn chụp sự chuyển động của bầu trời hoặc nước chẳng hạn).
Chụp chuyển động
Nếu bạn đang muốn chụp một dòng nước đang chảy, bạn có thể tạo hiệu ứng nước trắng tuyệt đẹp bằng cách đặt độ phơi sáng dài. Có hai cách để làm điều đó bạn có thể áp dụng. Một là sử dụng chế độ Tv hoặc S, chọn độ phơi sáng là 2 giây hoặc lâu hơn. Hoặc bạn cũng có thể sử dụng chế độ AV (Aperture-Priority) và chọn một khẩu độ nhỏ như f / 32 (đòi hỏi nhiều ánh sáng hơn). Nếu bạn chụp với ánh sáng ban ngày, bạn phải sử dụng một bộ lọc ND để giảm lượng ánh sáng va vào máy ảnh, và bằng cách này, máy ảnh sẽ có thời gian màn trập lâu hơn. Một Tripod trong trường hợp này cũng rất cần thiết để đảm bảo độ sắc nét cho ảnh chụp.
Sử dụng mặt nước như một tấm gương lớn
Nước trong ánh sáng dịu có thể tạo ra các hiệu ứng phản chiếu rất đẹp. Bạn nên áp dụng loại ảnh này vào trong hai “giờ vàng” đó là thời điểm giờ đầu tiên sau khi mặt trởi mọc và giờ cuối cùng trước lúc mặt trời lặn.
Bạn nên đặt máy ảnh trên một tripod và thiết lập chế độ TV hoặc S (Shutter-Priority). Chọn tốc độ màn trập chậm, máy sẽ đặt khẩu độ phù hợp. Nếu bạn muốn có được hình ảnh sắc nét, bạn có thể đẩy ISO lên mặc dù ISO 125 là một mức khá tốt.
Đừng quên yếu tố con người
Một bức ảnh phong cảnh không có nghĩa chỉ bao gồm cảnh và những vật vô tri vô giác, bạn đừng quên yếu tố con người có thể giúp mang lại một bức ảnh hoàn mỹ.
Sự xuất hiện của một đứa trẻ dễ thương hoặc một cô gái xinh đẹp bên những bông hoa. Bạn có thể áp dụng quy tắc 1/3 và sắp xếp bố cục đặt con người lệch tâm để tạo được hiệu quả tốt nhất. Chọn một tốc độ màn trập nhanh, nếu bạn muốn “đóng băng” hình hoặc một tốc độ màn trập chậm hơn nếu bạn muốn chụp sự chuyển động.
Sử dụng quy tắc một phần ba
Van.vn đã từng giới thiệu bài viết tổng hợp các quy tắc bố cục trong nhiếp ảnh trong đó có nhắc đến quy tắc một phần ba. Theo đó quy tắc này mách bạn hãy tưởng tượng ra bốn đường kẻ, hai đường theo chiều ngang và hai đường theo chiều dọc để tạo ra chín ô trên hình ảnh.
Trong một vài trường hợp, việc đặt chủ thể chính ở vị trí trung tâm có thể giúp mang lại hiệu quả tốt, tuy nhiên bạn có thể thử sử dụng quy tắc 1/3 với việc đặt chủ thể lệch tâm tại những điểm giao cắt của các đường thẳng (còn được gọi là “Điểm mạnh”) sẽ giúp tạo được một bố cục hài hòa và dễ chịu với góc nhìn.
Các cài đặt bạn nên áp dụng
Khi chụp ban ngày bạn có thể sử dụng một khẩu độ nhỏ hơn f / 22 để chụp hình ảnh được chi tiết và cực kì sắc nét. Nếu bạn muốn bắt chuyển động của nước hoặc của con người hay các con vật, hãy dùng filter để giảm lượng ánh sáng đi vào và thử nghiệm với tốc độ màn trập. Với dòng nước chảy bạn chọn phơi sáng ít nhất 2 giây, còn chụp sự chuyển động của con người hay động vật hãy bắt đầu với tốc độ màn 1/60. Bạn nên luôn sử dụng chân máy cho việc chụp phong cảnh.
Thiết bị nên dùng
Khi chụp dưới ánh nắng bạn nên dùng một nắp đậy ống kính để tránh bị cháy sáng. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng một bộ lọc cường độ trung bình ND hoặc bộ lọc phân cực để giảm sự phản xạ và làm nổi bật bầu trời.
Như đã đề cập ở phần trên, một chân máy là thiết bị cần thiết nếu bạn muốn chụp những bức hình sắc nét hay chụp chuyển động. Việc sử dụng đèn flash sẽ giúp các vùng tối được sáng hơn khi chụp phạm vi gần.
Với nhiều người, chụp phong cảnh đã trở thành niềm đam mê không thể từ bỏ. Với loại hình nhiếp ảnh này, bạn có thể dành cả ngày trời và đắm mình vào thiên nhiên. Bạn cũng cần rèn luyện tính kiên nhẫn bởi có khi phải đợi chờ rất lâu để có được điều kiện về ánh sáng và bố cục ưng ý và cũng không được nản lòng khi mọi thứ không được như mình mong muốn.
Nhiều bức ảnh chụp phong cảnh tuyệt đẹp đã được chủ nhân của nó dành nhiều thời gian và công sức mới có được và những bức hình đó xứng đáng với những gì bỏ ra. Hy vọng những kỹ thuật chụp ảnh phong cảnh đẹp vừa giới thiệu trên đây cùng sự kiên nhẫn thực hành sẽ giúp bạn phát triển các kỹ năng và tạo ra được những bức ảnh ấn tượng của riêng mình.
Van.vn (Theo Exposure Guide)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét