Phong trào nghệ thuật Arts & Crafts là gì?
Arts and Crafts (Tạm dịch: Nghệ thuật và Thủ công mỹ nghệ) là một phong trào nghệ thuật trong lĩnh vực trang trí, hàng thủ công và kiến trúc. Lấy cảm hứng từ những ý tưởng của John Ruskin và William Morris, phong trào nghệ thuật này đặt mối quan tâm đặc biệt đến vai trò của các nghệ nhân. Arts & Crafts ca ngợi thủ công và sự khéo léo. Arts & Crafts là một phản ứng trước tác động của công nghiệp hóa Anh Thời Victoria: khi mà các kĩ thuật cá nhân bắt đầu bị ảnh hưởng bởi hệ thống sản xuất hàng loạt. Phong trào này chủ trương cải cách nghệ thuật ở mọi cấp độ và ở nhiều lĩnh vực xã hội (như một ngôi nhà cũng có thể trở thành một tác phẩm nghệ thuật chẳng hạn), đồng thời làm hồi sinh các kỹ thuật truyền thống Anh như tráng men, thêu ren và thư pháp...Arts & Crafts đặt niềm tin vào sự gần gũi của loài người với thiên nhiên, trong nỗi nhớ về cuộc sống êm ả tại địa phương truyền thống nông thôn Anh - khái niệm mà xuất hiện ở khắp nền văn học, âm nhạc và nghệ thuật tại Anh thời kỳ này.
John Ruskin (1819-1900) là nhà phê bình nghệ thuật - xã hội người Anh vĩ đại nhất Thời kì Victoria. Các triết lí của ông đả phá quyết liệt những khía cạnh tồi tệ nhất của công nghiệp hóa: ông coi rằng các loại hình sản xuất cơ khí và phân công lao động có được từ cuộc cách mạng công nghiệp giống như là "lao động nô lệ". Ruskin ủng hộ một xã hội lành mạnh mà yêu cầu người lao động làm việc độc lập, đồng thời họ cũng chính là người thiết kế nên những điều họ làm. Ruskin lo ngại về sự mất đi của các kỹ năng truyền thống, khi mà người lao động bị cho là lệ thuộc vào hệ thống nhà xưởng hơn là “máy móc” của bản thân họ.
William Morris (1834 - 1896) là nhà thiết kế dệt đồng thời cũng là nhà thơ, nhà văn, dịch giả và nhà hoạt động xã hội chủ nghĩa người Anh. Ông là người đưa triết lý của John Ruskin vào thực tiễn. William Morris đặt những giá trị to lớn về niềm vui của nghề thủ công và vẻ đẹp tự nhiên của chất liệu vào công việc của mình. Ông có đóng góp lớn cho sự hồi sinh của nghệ thuật và phương pháp dệt truyền thống của Anh. Quan điểm của William Morris là: "thủ công mỹ nghệ" về cơ bản là công việc không có bất kỳ sự phân chia lao động nào, chứ không phải là công việc mà không có sự tham gia của máy móc. Năm 1861, William Morris thành lập Morris Marshall Faulkner & Co (sau này là Morris & Co) và trở thành nhà thiết kế quốc tế nổi tiếng và thành công về mặt thương mại sản xuất.
Minh họa Snakeshead - William Morris (1876)
Arts & Crafts (Nghệ thuật và Thủ công mỹ nghệ) xuất hiện tại Anh từ khoảng năm 1880 và tồn tại đến 1914. Tên gọi “Arts and Crafts” lần đầu tiên được sử dụng bởi T. J. Cobden Sanderson tại một cuộc họp của Hiệp hội triển lãm Nghệ thuật và Thủ công mỹ nghệ (The Arts and Crafts Exhibition Society) vào năm 1887. Tên gọi nhanh chóng trở thành một phong trào trên toàn nước Anh và Châu Âu, được định danh trong cộng đồng và là một diễn đàn thảo luận sôi nổi tại đây trong ít nhất 20 năm (1880 - 1914). Arts & Crafts lan truyền đến nước Mỹ (1890 - 1916) trước khi cuối cùng nổi lên như một phong trào Mingei (Thủ công Dân gian) tại Nhật Bản (1926 - 1945).
Ghế ăn (Dining Chair), Frank Lloyd Wright, 1902 (Biểu hiện Arts & Crafts tại Mỹ)
Tủ bát, E. W. Godwin, 1867 (Biểu hiện Arts & Crafts tại Mỹ)
Bình gốm, Shoji Hamada, khoảng 1935 (Biểu hiện Arts & Crafts tại Nhật)
Đĩa gốm, Kanjiro Kawai, khoảng 1930 (Biểu hiện Arts & Crafts tại Nhật)
Đặc trưng của Phong trào nghệ thuật Arts & Crafts
Thật về vật liệu: bảo tồn và nhấn mạnh những phẩm chất tự nhiên của vật liệu được sử dụng để tạo ra thiết kế là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của phong cách Arts & Crafts. Arts & Crafts bác bỏ lối trang trí công phu, nhân tạo và bỏ qua những phẩm chất của các vật liệu sử dụng.
Hình thức đơn giản: là đặc điểm làm nên sự nổi bật của phong cách Arts & Crafts. Mặc dù các hoa văn của William Morris tương đối nhiều chi tiết và màu sắc, hình thức của nó vẫn rất tự nhiên, phẳng và đơn giản. Arts & Crafts không có những trang trí lộng lẫy thái quá mà thừa thãi, thay vào đó chúng được xây dựng dựa trên cơ sở sử dụng thực tế của đối tượng.
Họa tiết thiên nhiên: Thiên nhiên là một nguồn cảm hứng quan trọng của hoa văn Arts & Crafts. Các mô tuýp thường lấy cảm hứng từ hệ thực vật và động vật tại các vùng nông thôn. Mô tuýp tự nhiên này được làm cho giống như thật nhất có thể.
Mô tuýp trang trí William Morris
Yếu tố bản địa: các yếu tố địa phương (trong nước và các vùng nông thôn Anh) cung cấp nguồn cảm hứng vô tận cho Phong trào nghệ thuật Arts & Crafts. Arts & Crafts là bảo tồn truyền thống. Arts & Crafts phục hồi và đề cao các kỹ thuật truyền thống cũ, cũng như sự khéo lẽo của nghệ nhân thủ công mỹ nghệ truyền thống.
Kiến trúc Arts & Crafts
Các kiến trúc sư của Phong trào nghệ thuật Arts & Crafts coi cả tòa nhà lẫn nội thất bên trong đều là một tổng thể nghệ thuật, với mong muốn của họ là mang lại một sự thống nhất lớn hơn dành cho nghệ thuật. Các tòa nhà Arts & Crafts thường bao gồm cả đồ nội thất được điêu khắc, chạm khắc hoặc lát gạch trang trí có hình ảnh biểu tượng cao. Cũng giống như bản chất của phong trào nghệ thuật này, kiến trúc Arts & Crafts được cải cách thủ công thông qua lối xây dựng truyền thống, bằng việc sử dụng các vật liệu địa phương đáp ứng đủ chức năng và sự đơn giản (không có trang trí giả). Các tòa nhà trông như thể chúng đã tồn tại ở đó qua nhiều năm. Các đặc điểm của kiến trúc Arts & Crafts là: hình thức và cấu trúc rành mạch, sử dụng vật liệu bản xứ, không đối xứng, phương pháp xây dựng thủ công truyền thống đề cao sự khéo léo.
Công trình kiến trúc Red House (Ngôi nhà Đỏ) - 13 Red House Lane, Bexleyheath, Kent, DA6 8JF
Red House được thiết kế bởi Philip Webb vào năm 1859 - như một ngôi nhà đầu tiên của ông dành tặng cho người bạn William Morris với người vợ trẻ Janey. Mái nhà dốc lợp ngói đỏ, tiền sảnh sâu, cửa sổ vòm chỉ (pointed window arche) dựa trên các mô tuýp thời trung cổ đồng thời nhấn mạnh vào yếu tố vật liệu tự nhiên. Ngôi nhà được trang trí và trang bị nội thất bởi bạn bè cùng gia đình của Morris: khăn treo và đồ thêu bởi Morris và Janey, đá lát và bích họa của Edward Burne Jones, đồ nội thất bằng gỗ và kim loại của Webb. Morris đã trải qua năm năm tại Red House - một trong số khoảng hạnh phúc nhất trong cuộc đời Morris. Đây cũng là nguồn cảm hứng để ông thành lập Morris Marshall Faulkner & Co - công ty đã mang thiết kế Morris đến đông đảo công chúng. Căn nhà nằm giữa vườn cây tại một nông thôn Anh, mà bây giờ vẫn là khu vực ngoại thành London.
Bàn gỗ sồi bởi Philip Webb
Kiến trúc Arts & Crafts Anh ngoài ra còn có: Bảo tàng Horniman được thiết kế vào năm 1898 bởi Charles Harrison Townsend, ngôi nhà Mary Ward được xây dựng vào năm 1898 bởi công ty kiến trúc của Smith & Brewer, Hampstead Garden Suburb được thành lập vào năm 1907, Trạm cứu hỏa Euston Road...Tại Mỹ có Ngôi trường Prairie của Frank Lloyd Wright hay tên tuổi của kiến trúc sư George Washington Maher và kiến trúc sư khác ở Chicago, California...
Ngôi trường Prairie thiết kế bởi Frank Lloyd Wright
0 nhận xét:
Đăng nhận xét