(Kiến thức cần thiết khi xây nhà) Bước 3: Làm việc với kiến trúc sư

Sau khi tiến hành các bước trên, giờ là lúc bạn phải tiến hành làm việc với Kiến trúc sư (KTS). Sau khi đã "chọn mặt gửi vàng", bạn hãy đề ra các yêu cầu thiết kế và cùng với KTS hoàn thiện các yêu cầu thiết kế. Bạn phải biết là mình muốn sống trong một ngôi nhà như thế nào và phải truyền đạt cho KTS tất cả ý muốn và sở thích của mình. Nhiệm vụ của kiến trúc sư là sáng tạo nên những không gian sống thẩm mỹ và phù hợp với yêu cầu của khách hàng chứ không phải là áp đặt ý thích của mình cho khách hàng. Một quy trình thiết kế chuyên nghiệp thường bao gồm các bước sau:
 Kiến thức cần thiết khi xây nhà (P3)

1. Trao đổi về yêu cầu thiết kế
- Trình bày với KTS về yêu cầu sử dụng của các tầng, ý tưởng thẩm mỹ của bạn và gia đình, thời gian khởi công, thời gian mong muốn hoàn thành thi công, ngân sách tối đa bạn có thể dành cho ngôi nhà của mình, ...;
- Nếu có băn khoăn hay thắc mắc về bất cứ vấn đề gì, hãy trình bầy cặn kẽ;
- Nếu có sở thích hay điều tối kỵ nào liên quan đến căn nhà (chẳng hạn vấn đề phong thuỷ như: Hướng đất, hướng nhà, cách bố trí phòng bếp, phòng ngủ, phòng thờ cúng, ...) bạn cũng nên thảo luận cùng KTS ở bước này;
- Sau khi trình bày ý kiến, bạn nên lắng nghe lời khuyên của KTS vì có thể một số yêu cầu đó không phù hợp yêu cầu thẩm mỹ và độ an toàn. Sau đó cùng với KTS hoàn thiện các yêu cầu thiết kế;
Lưu ý:
- Theo kinh nghiệm của chúng tôi thì rất ít khách hàng có thể trình bầy rõ ràng và đầy đủ các yêu cầu của mình. Vấn đề là họ không thể hình dung đầy đủ về căn nhà của mình khi chưa có những bản vẽ cụ thể. Thực tế, có tới 70% khách hàng chỉ có được hình dung được căn nhà và đưa các yêu cầu cụ thể, chính xác sau lần báo cáo phương án đầu tiên. Vì vậy, các yêu cầu thiết kế cần phải được bổ xung, hoàn thiện trong quá trình thiết kế.
 
- Bạn nên tìm hiểu qua những thuật ngữ xây dựng để có thể đọc hiểu bản vẽ và giao tiếp với KTS.
2. Khảo sát hiện trạng khu đất
Sau khi tiếp nhận yêu cầu thiết kế, KTS sẽ tiến hành khảo sát hiện trạng khu đất và lập hồ sơ hiện trạng để phục vụ thiết kế. Các công việc chủ yếu là:
- Khảo sát, kiểm tra hình dáng và kích thước khu đất. Đối với những khu đất có hình dáng đơn giản và thuận tiện cho việc đo vẽ, KTS có thể giúp bạn việc đo vẽ hiện trạng. Tuy nhiên, nếu khu đất phức tạp và khó đo vẽ, bạn sẽ phải thuê một đơn vị khảo sát chuyên nghiệp để đo vẽ bản đồ hiện trạng;
- Khảo sát các công trình, vật kiến trúc xung quanh khu đất, các tuyến đường, lối vào, ...
3. Thiết kế phương án sơ bộ
Đây là giai đoạn rất quan trọng, bạn và KTS sẽ thống nhất ý tưởng thiết kế chủ đạo cho căn nhà của mình. Việc thiết kế phương án sơ bộ là sự lặp đi, lặp lại của quá trình sau: ... KTS thiết kế phương án > Trình bầy với bạn > Bạn góp ý, phản biện > KTS giải thích, ghi nhận > KTS điều chỉnh thiết kế > Trình bầy với bạn > ...
Bạn hãy cố gắng xem xét kỹ lưỡng các đề xuất của KTS. Một KTS giỏi luôn muốn mang lại cho khách hàng những giá trị thẩm mỹ và công năng nhiều hơn những gì khách hàng mong đợi. Đừng sốt ruột khi thấy KTS vẽ khác với ý mình, hãy lắng nghe KTS trình bầy, giải thích và giúp họ hiểu cặn kẽ những yêu cầu, sở thích của bạn để họ hoàn thiện phương án thiết kế.
Lưu ý:
- Công việc thiết kế ngôi nhà của bạn thường gồm 2 phần: Thiết kế kiến trúc và Thiết kế nội thất. Một KTS chuyên nghiệp sẽ thực hiện việc thiết kế phương án sơ bộ kiến trúc trước, sau khi bạn thống nhất họ sẽ triển khai đồng thời việc thiết kế chi tiết (thiết kế bản vẽ thi công) phần kiến trúc và thiết kế phương án sơ bộ nội thất. Như vậy, KTS có thể cập nhật các thông số chính xác của phần kiến trúc vào thiết kế sơ bộ nội thất, giúp cho phương án nội thất có tính khả thi và chính xác hơn.
 
- Hồ sơ thiết kế phương án sơ bộ thường bao gồm phối cảnh và các mặt bằng, có thể có thêm mặt cắt đối với công trình phức tạp.
4. Thiết kế xin phép xây dựng
Hồ sơ thiết kế xin phép xây dựng sẽ được nộp cho cơ quan quản lý xây dựng địa phương cùng với các giấy tờ liên quan tới sở hữu để xin cấp giấy phép xây dựng. Sau khi bạn thống nhất phương án sơ bộ kiến trúc là có thể triển khai lập hồ sơ này.
Lưu ý:
- Thẩm quyền cấp phép xây dựng thuộc về sở xây dựng cấp tỉnh, thành phố hoặc phòng quản lý xây dựng cấp quận, huyện tùy theo vị trí và quy mô xây dựng công trình;
 
- Công ty thiết kế phải có pháp nhân và đăng ký kinh doanh phù hợp, cá nhân KTS thiết kế phải có chứng chỉ hành nghề. Các bản sao có công chứng các giấy tờ trên bạn sẽ phải nộp cho cơ quan cấp phép xây dựng cùng với hồ sơ.
5. Thiết kế bản vẽ thi công
Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công (hay còn gọi là hồ sơ thiết kế chi tiết) bao gồm các bản vẽ và dự toán thi công xây dựng là kết quả cuối cùng của quá trình thiết kế. Nguyên tắc của việc thiết kế hồ sơ bản vẽ thi công là phải đảm bảo để có thể thi công công trình theo đúng thiết kế và có thể lập được dự toán thi công xây dựng. Thành phần chính của hồ sơ bao gồm:
- Toàn bộ các bản vẽ mặt bằng các tầng (bao gồm cả mặt bằng lát sàn);
- Toàn bộ các bản vẽ mặt cắt qua nhà, các mặt đứng của nhà;
- Các bản vẽ chi tiết cấu tạo kiến trúc (cầu thang, cửa, khu vệ sinh, ban công, ...);
- Các bản vẽ tính toán kết cấu chịu lực của công trình;
- Các bản vẽ hệ thống kỹ thuật công trình (cấp điện và chiếu sáng, cấp thoát nước, thông tin, điều hòa và thông gió, chống sét, ...)
- Dự toán thi công xây dựng.
Tất cả hồ sơ phải được đóng gọn gàng theo thứ tự của phần danh mục bản vẽ kèm theo, có chữ ký của các KTS, kỹ sư thiết kế và đóng dấu của công ty thiết kế.
Lưu ý:
- Một khoản đầu tư nhỏ (khoảng 3% phí thiết kế) để thuê một đơn vị độc lập và có uy tín về chuyên môn thẩm định hồ sơ thiết kế có thể sẽ khiến bạn yên tâm hơn;
 
- Để đảm bảo cho những chi tiết của thiết kế mà bạn và kiến trúc sư đã thống nhất, bạn có thể sử dụng những minh họa, hình chụp công trình mẫu, hình vẽ 3D để ràng buộc trong hợp đồng với nhà thầu thi công về sau.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét