Lá sách đóng nhưng mở

Có người cho rằng cửa lá sách đã có cả trăm năm và biến thể ra các loại lam thông gió, chắn nắng trong kiến trúc hoặc ngược lại. Nhưng từ thập niên 80 của thế kỷ trước cho đến gần đây, cửa lá sách chỉ còn trong các vựa bán vật liệu cũ! Nay thì cửa lá sách đang được dụng trở lại.



Tại sao nhà xưa làm cửa lá sách?

Thật vậy, dù cửa nẻo có nhiều biến thái theo thời gian để tạo thẩm mỹ, tìm sự thích ứng với công năng sử dụng; thế nhưng giới trong ngành vẫn cho rằng, “cửa lá sách là loại cửa thông minh nhất”. “Bởi nó vừa đẹp, vừa mưa không tạt, hạn chế bụi tốc vào trong, và đặc biệt là vừa tạo được sự đối lưu không khí một cách tự nhiên”, kiến trúc sư Nguyễn Văn Tân cảm thán vậy. Cứ vào những ngôi nhà làm theo kiến trúc của Tây đều thấy mát mẻ và hầu như nhà nào cũng sử dụng cửa lá sách. Mát nhờ tường dày đến 30 – 40cm, tạo nhiều khoảng lùi làm hành lang và trổ nhiều cửa lá sách; cả những ô thông gió trên đầu cửa, trên đầu hồi, trên mái cũng đều bằng cửa lá sách. Các ứng dụng đó vừa ngăn được nhiệt hấp thụ trực tiếp vào không gian sống bên trong; vừa đối lưu không khí tốt từ mọi hướng. Nhất là xứ nhiệt đới, ẩm độ cao, giải pháp trên thật có ý nghĩa để kiến tạo ngôi nhà thân thiện với môi trường.

Bẵng đi một thời gian khá dài, đến vài chục năm theo “thời trang” rồi cũng quay lại với cái chân giá trị ban đầu. Chẳng hạn, trước thập niên 60 của thế kỷ trước chuộng quần ống túm, sau đó lại loe ra – gọi là quần ống voi; rồi túm túm dần lại thành quần xìgà suôn từ đùi đến lai ống. Mãi đến những năm 90, ống quần lại loe ra và nay thì túm bớt lại. Và chắc rằng, một cái quần tây chuẩn mực, đẹp, trang trọng vẫn là cái quần tương hợp với cơ thể học của con người – to từ trên mông, đùi và nhỏ dần xuống đến ống. Có lẽ vì vậy mà những lam, bông thông gió đến nay vẫn được thiết kế và tồn tại trong nhà ở dân dụng, nhất là ở các công trình công cộng như bệnh viện trường học, nhà ga...
Cửa đóng mà mở

Cái giá trị thực của cửa lá sách là đóng nhưng mở, không khí vẫn lưu thoát bình thường với môi trường bên ngoài. Kiến trúc sư Đặng Phước Toàn từng được vài gia chủ ta thán rằng, nhà có giếng trời giữa nhà hay cuối nhà mà trong nhà vẫn hầm nóng, ngột ngạt. Khảo sát thực tế thì bị hầm nóng là phải, bởi “cửa nẻo mặt tiền bằng kính đóng kín, không có lối cho gió lùa vào thì làm sao thoát ra được phía giếng trời!”, KTS Toàn nói. Khi đó, không khí cứ lẩn quẩn trong nhà mà không đối lưu được, không trao đổi được với bầu khí chung.

Thuở trước, có thể thiếu điều kiện hoặc hiếm có máy điều hoà không khí nên dụng cửa lá sách thì thích hợp hơn. Nay, máy lạnh đã phổ biến nên cửa nẻo đóng kín bít bằng gỗ, kính, nhôm, thép... Tuy nhiên, có những ngôi nhà làm cửa kín bưng nhưng không sử dụng máy lạnh hoặc không sử dụng máy lạnh thường xuyên – thật khó để có thể thoáng khí tự nhiên được. Do đó để tạo cho ngôi nhà thân thiện với môi trường, ít tốn kém điện năng, có thể làm cửa hai lớp – lớp ngoài lá sách, lớp trong kính. Khi cần thì đóng cửa kính, mở máy lạnh; bình thường chỉ đóng cửa lá sách là đủ trao đổi không khí cho các không gian bên trong nhà.

Một yếu tố mà người tiêu dùng “ngó lơ” cửa lá sách do trước đây cửa thường chế tác bằng gỗ, lắp đặt ở những mặt tiếp xúc trực tiếp mưa nắng nên dễ bị mối mọt, cong vênh, co ngót làm cho lá sách “rụng rơi” ra. Nhưng hiện nay công nghệ gỗ đã được tẩm sấy để chống mối mọt và làm cho chất liệu gỗ ổn định; từ đó độ bền vững cửa gỗ đã tốt hơn nhiều. Và, ngoài cửa gỗ lá sách theo công nghệ mới, các chất liệu khác như nhôm, nhựa, kính cũng sản xuất thành cửa lá sách để thêm nhiều chọn lựa.

Ứng dụng cửa lá sách hiện đang phát triển trở lại trong các công trình và không dừng lại ở đó, lá sách còn đưa vào cửa nhà vệ sinh; cửa, hay vách tủ áo, tủ giày dép, tủ bếp... Tất thảy nhờ vào tính thẩm mỹ, sự thoáng khí của lá sách – đóng nhưng vẫn mở.

Nguyễn Tâm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét