Art Nouveau (1880-1910) là gì?
Art Nouveau (Tiếng Pháp mang nghĩa là "Nghệ Thuật Mới") hay còn được gọi là Jugendstil (“Nghệ Thuật Trẻ” trong tiếng Đức) và nhiều tên gọi riêng biệt ở các quốc gia khác nhau, chẳng hạn như Stile Liberty (Ý), Modern (Nga) hoặc Modernisme (Tây Ban Nha)..vv..Đây là một phong cách nghệ thuật xuất hiện cuối thế kỉ 19 và tồn tại đến đầu thế kỉ 20, trước Thế chiến I.
Motif Art Nouveau.
Art Nouveau được xem là phong cách nghệ thuật “tổng hợp”, với sự ảnh hưởng rộng lớn trong mọi lĩnh vực thiết kế: nghệ thuật trang trí (đồ trang sức, đồ nội thất, dệt may, đồ chế tác bằng bạc, đồ dùng gia đình, đèn chiếu sáng), kiến trúc, nghệ thuật đồ họa, thiết kế nội thất và hội họa. Phong cách Art Nouveau nổi bật bởi tính hoa mĩ, lượn sóng, bất đối xứng, các họa tiết cách điệu hóa từ hình thức tự nhiên (hoa và cây), hình ảnh tiên nữ cùng các đường cong mềm mại (vòng cung, parabol, và hình bán nguyệt)…Art Nouveau có thể được nhắc đến như "người tiền nhiệm" quan trọng của Chủ nghĩa Hiện đại.
Một trong những ví dụ dễ thấy nhất của phong trào nghệ thuật Art Nouveau là Tòa Tháp Eiffel khánh thành vào năm 1889 ở Pháp. Mời độc giả ghé thăm công trình kiến trúc mỹ lệ này cùng những hiện thân đặc trưng khác của phong trào nghệ thuật Art Nouveau!
Điêu khắc Art Nouveau.
Đồ tạo tác và trang sức.
Tủ bàn và ghế Art Nouveau.
Trang trí nội thất theo phong cách Art Nouveau.
Công trình kiến trúc Art Nouveau tại Pháp.
Một trong những ví dụ dễ thấy nhất của phong trào nghệ thuật Art Nouveau là Tòa Tháp Eiffel.
Art Deco (1910 – 1940) là gì?
Art Deco hay Deco, là sự phát triển kế thừa từ Art Nouveau. Phong cách nghệ thuật thị giác Art Deco lần đầu tiên xuất hiện tại Pháp, sau Thế chiến I; bắt đầu hưng thịnh trong khoảng năm từ 1920 đến 1940; trước khi suy yếu sau Chiến tranh Thế giới II. Phong cách của Art Deco thường đặc trưng bởi màu sắc phong phú, hình dạng hình học táo bạo và góc cạnh, đường thẳng, đường tuyến tính (một trong những ví dụ nổi bật là tòa nhà Chrysler, Tòa nhà Empire State nổi tiếng), bên cạnh hình ảnh cách điệu thiên nhiên còn xuất hiện hình ảnh của máy bay, của ô tô, tàu du lịch, những tòa nhà chọc trời…đầy xa hoa đại diện cho sự sáng tạo "tiến bộ" của Chủ nghĩa Hiện đại.
Cùng Design.vn chiêm ngưỡng những thiết kế theo phong cách nghệ thuật này để có những cái nhìn rõ ràng nhất về Art Deco!
Motif Art Deco.
Đồ họa theo phong cách Art Deco.
Thiết kế đồ nội thất.
Art Deco trong trang trí nội thất.
Tòa nhà Chrysler và Empire State là một trong những kiến trúc điển hình của nghệ thuật Art Deco.
Art Nouveau và Art Deco - Sự khác biệt nằm ở đâu?
Phong trào nghệ thuật Art Nouveau và Art Deco đều bị ảnh hưởng bởi các yếu tố của xã hội công nghiệp, chủ yếu do cuộc Cách mạng Công nghiệp (cuối thế kỷ 18 - đầu thế kỷ 19 và nửa sau thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20); sau này là bởi Chiến tranh Thế giới I (1914 - 1918). Như đã nói ở trên, Art Deco là sự kế thừa từ Art Nouveau và bản thân sự kế thừa đó đã đổi thay khác biệt. Rõ ràng, Art Deco - một hệ quả gần như hoàn hảo của Art Nouveau - đã thực hiện một bước tiến xa hơn. Vậy bước tiến ấy là gì? Chúng ta thử làm phép so sánh:
Việc sử dụng hình dạng trang trí có lẽ là cách dễ dàng nhất để so sánh giữa Art Nouveau và Art Deco. Nếu Art Nouveau sử dụng các đường cong, các hình thức tự nhiên như tiên nữ, côn trùng và cỏ dại (điển hình trên đèn Tiffany) thì Art Deco ưa chuộng các đường thẳng ngang, đường tuyến tính đặt theo mọi cách sắp xếp. Art Deco thanh mảnh, gọn ghẽ, có đối xứng với những motif như tam giác, đường zig zag, hình bình hành… tượng trưng cho những bước tiến trong thương mại, tiến bộ khoa học kĩ thuật và tốc độ.
Art Nouveau
Art Deco
Đèn Tiffany phong cách nghệ thuật Art Nouveau.
Đèn Tiffany phong cách nghệ thuật Art Deco.
Phong cách nghệ thuật Art Nouveau thiên về tính thẩm mỹ. Art Nouveau ít tiện dụng, ít công nghiệp, nhiều chi tiết và phức tạp trong thiết kế và trang trí. Trong khi đó, Art Deco là đặt nặng về hình thức và chức năng. Đây cũng là một biểu hiện sớm nhất để phát triển thành Chủ nghĩa Hình thức, Chủ nghĩa Công năng về sau. Art Deco đưa thép không gỉ, thủy tinh, kim loại, gỗ khảm và nhựa vào thiết kế, đặc biệt bởi vẻ đẹp bóng loáng, bề mặt phẳng, thiết kế liền mạch và sắc nét. Về bản chất, trong những năm 1920 và 1930, vật liệu có ý nghĩa biểu thị cho phong cách thiết kế "thời đại"; nơi mà Art Nouveau mới là sự khởi đầu, còn Art Deco đã dần bước gần đến đỉnh cao.
Art Deco đưa thép không gỉ, kim loại...vào thiết kế, đặc biệt bởi vẻ đẹp bóng loáng, bề mặt phẳng, thiết kế liền mạch và sắc nét.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét